Giới thiệu cuốn sách "VỊ THÁNH TRÊN BỤC GIẢNG"
Kính thưa các thầy giáo, cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến!
Tháng 11 lại về trong không khí hân hoan của cả nước hướng về ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đây cũng là dịp để chúng ta nhớ về thầy cô giáo của mình với lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc. Chính thầy cô là người cha, người mẹ thứ hai - là người chắp cánh cho ước mơ chúng ta bay cao và bay xa trên bầu trời trí tuệ để chúng ta thành công và vững bước trên đường đời. Nhân dịp này Thư viện nhà trường xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô và các bạn học sinh cuốn sách: “Vị thánh trên bục giảng” với 243 trang được in trên khổ giấy11x18cm do nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 2005 gồm 27 tác phẩm của nhiều tác giả viết về tình nghĩa thầy trò và cuốn sách có số ĐKCB là: STKC-00057/00058. Cuốn sách này là một trong tám tập được tuyển chọn từ cuộc thi viết truyện ngắn cho học sinh - sinh viên của Hội nhà văn Việt Nam kết hợp với nhà xuất bản giáo dục. Mỗi tập mang một chủ đề khác nhau nhưng nội dung đều hướng tới giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho tuổi trẻ học đường hiện nay.
Kính thưa thầy cô và các bạn! Lật từng trang, đọc từng chữ của cuốn sách, cảm nhận được hơi thở nóng hổi của cuộc sống đã toát lên từng trang viết qua những cảnh, tình, sự cùng với ý tứ trong từng câu chuyện. Ở mỗi câu chuyện ta bắt gặp cái thiện, cái đẹp như ngọn nến lung linh tỏa sáng khiến ta yêu nó và mơ ước về nó, để rồi tránh xa cái xấu- cái ác và loại trừ nó. Chúng ta hãy cảm nhận điều đó qua một số tác phẩm tiêu biểu của cuốn sách nhé!
Thưa thầy cô và các bạn! Quý thầy cô và các bạn chắc sẽ rất băn khoăn về tựa đề của cuốn sách được chọn làm đề tài phải không? Thầy cô được ví là “vị thánh”. Vì thầy cô có thể làm những việc phi thường mà người khác khó có thể làm được chăng? Đúng vậy! Thầy cô luôn là tấm gương sáng cho học sinh và mọi người noi theo; là người bao dung, độ lượng, luôn sống và cống hiến vì mọi người mà chẳng hề đòi hỏi một ân huệ nào dù cuộc sống có khó khăn đến đâu đi chăng nữa. Tác giả Trần Thị Hiệp đã phải thốt lên: “Trời ơi! Thầy tôi nghèo khó mà cố lo sao vào lớp phải có bộ quần áo sạch sẽ tươm tất. Hình hài ốm o tiều tụy mà vẫn cố đi đứng sao cho oai vệ. Bị ho không dám ho, kiến cắn không dám gãi.Thầy đã làm hết sức để vứt bỏ cái xác phàm khi đứng trên bục giảng cho những tâm hồn non nớt dựa vào đó mà bay cao trên bầu trời tri thức”. Trong câu chuyện này, tác giả đã không ngần ngại đặt cho người thầy giáo một trách nhiệm: “Người thầy phải hoá thân thành vị thánh, một thần tượng sống có thực để học trò chiêm ngưỡng. Ông thánh giả bằng xương bằng thịt phải biết lột xác, quăng đi cái xác phàm, để thăng thiên, hiển linh thành vị thánh sống”. Tác giả cho rằng: Trên hết trong mọi giá trị, đó là một nhân cách người thầy với đầy đủ ý nghĩa cao cả nhất. Họ ít phô mình, cứ lặng lẽ làm những gì có thể làm, nếu thấy là hữu ích. Cuộc đời của họ, dù đang dạy hay đã nghỉ hưu, như dòng sông chảy mãi, chảy mãi. Rồi có lúc họ chợt nhớ về những ngày đầu tiên đứng trên bục giảng. Câu chuyện “Cô giáo khóc” của Trần Thị Hiệp đã đưa ta đến hình ảnh cô giáo trẻ nhất trường “trẻ tuổi lẫn non tay nghề”. Cả cái thế gian này, mọi người phụ nữ soi gương trang điểm để trẻ đẹp hơn. Riêng "Cô giáo trẻ" của Trần Thị Hiệp, vì yêu nghề, trang điểm để già và xấu, cho học trò sợ. Mỗi khi vào lớp, cô mang cho mình chiếc mặt nạ khắc khổ, lạnh lùng, nghiêm nghị. Thế nhưng, lũ học trò ngỗ nghịch “bầy thú trước bảng đen”, vẫn chẳng mảy may tỏ ra sợ cô. Và cô giáo đã khóc. “Lớp học đang ồn ào bỗng vắng lặng như nhà mồ. Người ta nghe tiếng cô giáo nức nở rất rõ. Cô Liên đang khóc một cách tuyệt vọng, bỗng cô thấy xung quanh mình đã có điều thay đổi kỳ dị lắm. Cô ngẩng lên tất cả học sinh đều ngồi yên, những tên quỷ quái nhất cũng ngoan ngoãn, vòng tay trên mặt bàn”. Hoặc trong tác phẩm “Điều có thể” của Đỗ Bảo Châu sẽ cho chúng ta cái nhìn về con người, cuộc đời và xã hội. Từ cái thực tại vốn có của xã hội hiện tại, đó là câu chuyện bằng cấp, đồng tiền, địa vị và danh lợi như một bức màn che lấp nhãn quan những tâm hồn vốn lương thiện của con người. Cái hành động của vị giáo sư trong giấc mơ của cậu học trò thật triết lí sâu xa. Nếu không có giấc mơ đó thì cậu học trò đã tung hoành khắp chốn như một kẻ giang hồ mà khắc danh tiến sĩ, liệu xã hội này sẽ đi về đâu?
Ta bắt gặp “Thằng đen” của tác giả Lê Văn Ổn. Một cậu bé sinh ra đã chịu sự bất hạnh của bố mẹ bất hòa. Em thiếu vắng tình thương của người cha, hơn thế nữa, quyền lợi của trẻ em mà em cần được hưởng tưởng chừng như không bao giờ có. Chính lúc đó một người hàng xóm cũng là một thầy giáo đã kịp thời đồng cảm, chia sẻ nỗi đau với em, thầy đã thổi hơi ấm tình người, niềm tin yêu vào cuộc sống để cho em được quyền lợi của tuổi thơ, được đến trường, được yêu thương, thầy đã chắp đôi cánh cho em bay cao, bay xa vào cổng trường đại học và em đã thực hiện đuợc ước vọng của mình làm bác sĩ để cứu người. Với câu chuyện “Khách qua đường” của Huyền Nữ Dương Chi đã nói lên một bài học quý giá, bài học không cần bảng đen phấn trắng và bút mực sách vở, “Từng tiếng, từng lời, của người thầy giáo lạ lùng kia rót chảy vào lòng Phương như một trận đòn trừng phạt vừa cay đắng, lại vừa êm ái mát mẻ”.
Như Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng nói: “Người thầy giáo tốt dù tên tuổi không ghi bảng vàng nhưng họ là những anh hùng vô danh”. Vâng! Đúng vậy. Câu chuyện “Xóm ba nhà” của Đỗ Kim Cuông đã toát lên hình ảnh cao đẹp của người thầy. Đó là những thầy cô giáo dạy học ở vùng cao, vùng sâu, những người tình nguyện “má hồng để lại, da xanh mang về”, những con người mà cả cuộc đời trọn vẹn gắn với núi rừng, gieo từng con chữ trên những thửa ruộng đá. Họ xứng đáng được xã hội tôn vinh: Là những vị thánh trên bục giảng. Tập truyện ngắn "Vị thánh trên bục giảng" không chỉ dừng lại với hình ảnh các thầy cô giáo, tập truyện tiếp tục đưa ta đến với hình ảnh “Cô học trò bé bỏng” của Trung Hậu. Cô học trò cùng các bạn đến thăm thầy hiệu trưởng nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam với món quà trên tay. Một món quà khiến cho thầy hiệu trưởng phải suy nghĩ rất căng thẳng. Nghĩ tới lời nhắn nhủ bóng gió, bởi cái cân là biểu tượng của công lý. Thầy hiệu trưởng gặng hỏi, các em trả lời : “Chúng em thấy cô nhà đi chợ bán giá đỗ, thường mượn cân của người bên cạnh, cho nên …”. Thì ra các em đâu có ý tứ bóng gió gì. Các em: Hồn nhiên - Trong trắng - Trung thực - Vô tư. Thầy hiệu trưởng đã suy tư và đem chuyện đó làm đề tài nhắc nhở các thầy cô phải công bằng như cái cân, công bằng như mong muốn của các em. Thầy hiệu trưởng xúc động khi nhận ra Thuỷ - em học sinh mang trả lại tấm bằng khen mà thầy đã tặng cho Thuỷ với danh hiệu Học sinh tiên tiến cả năm nhưng không được ghi vào sổ khen thưởng và học bạ - lại chính là một trong những học sinh đã tặng thầy cái cân năm nào. “Ông cầm lại tấm giấy khen chưa kịp nói gì thì đã nhận thấy những giọt nước mắt trào ra từ đôi khoé mắt thơ ngây rơi xuống nền nhà vỡ vụn”. Rồi “Thuỷ cũng lặng lẽ cúi đầu. Một lát, Thuỷ cảm thấy có giọt nước âm ấm từ trên đầu rơi xuống tay mình, em ngước nhìn lên gương mặt thầy hiệu trưởng, thấy hai dòng nước trong veo chảy ra từ phía sau đôi mục kỉnh dày cộm theo những rãnh nhăn nheo rơi xuống tóc mình”.
Rồi “Phần thưởng xuất sắc” của Triều Hưng, “Hạnh phúc quanh ta của Hoàng Giang Phú, “Con suối vô tình” của Phùng Phương Quý, “Ngày hội trường không em” của Trương Văn Quang, “Tiếng vọng miền ký ức” của Nguyễn Thị Sỹ, “Hoa hàm ân” của Quý Thể, rất rất nhiều câu chuyện hay và thâm thuý khác nữa. Tất cả như quyện vào nhau cùng đưa dẫn đến “tình thầy, nghĩa trò”…
Các bạn học sinh yêu quý! Biết ơn và ghi nhớ công ơn thầy cô dạy dỗ chúng ta nên người, món quà lớn nhất mà những người thầy, người cô chúng ta mong muốn là các em hãy học thật giỏi và rèn luyện đạo đức nhân cách tốt để xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước.
Ngày 20/11 đang đến rất gần, những điểm 9, điểm 10 là món quà ý nghĩa nhất mà các thầy - các cô luôn mong muốn ở các bạn. Các bạn hãy giành thật nhiều bông hoa điểm 10 để kính dâng thầy cô, để những tháng ngày trong năm đều là ngày 20/11 đáng yêu. Và cuốn sách: “Vị thánh trên bục giảng” là món quà thư viện nhà trường muốn gửi đến bạn đọc trong dịp này. Đọc cuốn sách bạn đọc sẽ thấy hình ảnh những người thầy thật gần gũi thân thương, đáng kính và cao quý hơn. Sau buổi giới thiệu sách hôm nay xin kính mời thầy cô và các bạn học sinh hãy đến với thư viện nhà trường để đón đọc và cảm nhận. Cuối cùng em xin kính chúc các thầy cô giáo mạnh khỏe, công tác tốt, chúc các bạn học sinh luôn chăm ngoan, học giỏi. Hẹn gặp lại quý thầy cô và các bạn trong buổi giới thệu sách lần sau.
PHỤ TRÁCH THƯ VIỆN
Vũ Thị Thảo