Kính thưa quý thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến!
Trong tháng 10 có một ngày thật đặc biệt đó là ngày 20/10 và cứ mỗi năm đến ngày ấy, khắp nơi tưng bừng chuẩn bị nhiều hình thức tổ chức kỷ niệm, tôn vinh, nhớ ơn các bà, các mẹ, các cô, các chị, đặc biệt là những người Phụ nữ Việt Nam. Ngoài đường phố, các tiệm hoa trưng bày những lẵng hoa tươi, các cửa hàng có những chương trình hấp dẫn cho ngày 20 tháng 10. Và trong mỗi chúng ta cũng đều biết hạnh phúc lớn lao nhất của cuộc đời mỗi người đó là có mẹ. Chúng ta lớn lên từ dòng sữa ngọt lành, từ bàn tay hiền nhẹ nhàng đưa nôi, từ những câu hát ru hiền hòa bao dung như suối nguồn tình mẹ. Khi trưởng thành, chúng ta bước đi trên đường đầy chông gai và thử thách, để rồi có những phút yếu lòng, ta quay về bên mẹ, trở về với cội nguồn của yêu thương.
Trong gia đình, mẹ là người có công chăm sóc và giáo dục con cái. Những bài học giản dị từ thủa ấu thơ sẽ theo con suốt cả cuộc đời. Sau này, những người con có trở thành một thiên tài, một anh hùng, một vĩ nhân hay chỉ là một người bình thường trong cuộc sống, thì người đầu tiên họ nghĩ về vẫn là mẹ - người đã dạy cho họ những bài học đầu tiên của cuộc đời – bài học về lòng bao dùng, về nghị lực cuộc sống, về niềm tin của con người,…
Cuộc đời của mỗi đứa con, nếu thiếu đi người mẹ thì sẽ quá đỗi thiệt thòi. Cuộc sống của mỗi gia đình, nếu thiếu đi bàn tay người phụ nữ thì sẽ lạnh lẽo biết bao nhiêu. Người phụ nữ, trong thiên chức người mẹ, đã gánh trọn trách nhiệm cao cả của một “nội tướng” trong gia đình. Không người đàn ông nào có thể thay thế vị trí ấy của người phụ nữ. Bởi vì, con người ai cũng cần một bến đỗ bình yên cho tâm hồn sau những phút giây căng thẳng của một ngày bộn bề với cuộc sống, mà bến đỗ ấy, chỉ có thể là căn nhà với người vợ, người mẹ bao dung.
Trên con đường gập ghềnh đầy chông gai thử thách, trái tim mẹ giúp ta mở lối vào đời bằng chính tình yêu kì diệu và vô điều kiện của người mẹ. Hạnh phúc thay, mỗi đứa trẻ khi sinh ra đã được nằm trong vòng tay bảo bọc, chở che của mẹ. Với ánh mắt dịu hiền và giọng nói có thể vang đến nơi tận cùng của cuộc sống, mẹ đã chịu thương, chịu khó, gắng chịu, gắng nhịn hy sinh cuộc đời mình để lo cho các con, người mẹ luôn dõi theo từng nhịp bước của những đứa con đi qua thời thơ ấu cho đến những năm trưởng thành.
Để kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam, ngày mà tất cả chúng ta đều tỏ lòng biết ơn những người đã sinh ra ta, những người dạy dỗ ta nên người, cho ta kiến thức để trở thành người có ích cho đất nước. Hôm nay Thư viện nhà trường xin giới thiệu đến quý thầy cô và các bạn học sinh cuốn sách “Tình yêu bất tận của mẹ: Đôi mắt con là của mẹ”, do NXB Thế giới phát hành vào năm 2020, gồm 187 trang, khổ 13x20,5cm. Sách có số ĐKCB là: STN/00282-00284. Cuốn sách gồm những câu chuyện về sự quan tâm, tình yêu thương bao la của bố mẹ, gia đình giúp chúng ta thêm trân trọng, quý giá những khoảnh khắc sum họp bên mái ấm. Một chút yêu thương để thấy lòng ấm áp. Một chút chậm lại để mạnh mẽ tiến lên và một chút tĩnh lặng để nhận ra những điều giản dị nhưng tốt đẹp đang hiện hữu.
Một nhà văn nước ngoài đã viết: “Nghề đẹp nhất, quan trọng nhất trong tất cả mọi nghề , là làm mẹ. Đó là nghề đòi hỏi nhiều tri thức nhất trong lĩnh vực khoa học nhân văn”.
Chân dung người mẹ là hình ảnh không bao giờ phai mờ trong mỗi chúng ta. Nơi đó là sự bao dung, độ lượng, chở che… Là nơi cho chúng ta sự bình yên, hạnh phúc thay cho những ai biết trân trọng tình yêu của mẹ.
Hãy thử dừng lại, dù chỉ một phút thôi, để nhìn lại cha mẹ mình, để thấy mái tóc mẹ đã bạc thêm vài sợi, thấy khóe mắt cha có thêm vài vết chân chim.
Hãy nhớ lại những lúc mẹ đã nói dối rằng mẹ không sao trong khi mẹ đang ốm. Hãy nhớ lại những khi ta học bài ôn thi, vẫn là mẹ thức tới tận khuya, mang vào phòng cho con cốc sữa, đóng cửa rồi mà vẫn trằn trọc không yên.
“Tình Yêu Bất Tận Của Mẹ: Đôi Mắt Con Là Của mẹ” là những câu chuyện giản dị mà đầy ý nghĩa về tình mẹ con thiêng liêng, cao quý. Bằng lối viết giản dị, trong sáng, giàu cảm xúc, cuốn sách dần đưa người đọc trở về với những kí ức bên mẹ, về những lầm lỗi, những suy tư trăn trở về mẹ, và về tất cả những gì mẹ đã hi sinh cho chúng ta.
Ngay từ những trang viết đầu tiên đến những trang viết cuối cùng với những câu chuyện khác nhau như: Trái tim nhân hậu; Thư gửi con gái hay Con xin lỗi mẹ" đã khiến bao trái tim người đọc cảm động đến rơi nước mắt.
Các bạn học sinh thân mến!
Vậy đã bao giờ các bạn cảm thấy tức giận và trách móc chính mẹ của mình chỉ vì mẹ luôn nghiêm khắc, công việc của mẹ không dành nhiều thời gian cho chúng ta chưa?
Một đứa con đã viết: “Con đã từng ghét mẹ lắm, mẹ có biết không? Con ghét mẹ đã khiến con thành đứa trẻ không cha. Con ghét mẹ cứ bỏ con ở nhà một mình mà đi công tác từ ngày này qua tháng khác. Con ghét những bức thư điện tử với nội dung cứ lặp đi lặp lại theo khuôn mẫu... Dường như con gét mọi thứ liên quan đến mẹ, kể cả công việc khiến mẹ bận bịu tối ngày, mà quên mất tất cả những việc mẹ làm đều vì lợi ích của con. Để đến giờ, khi mẹ không còn nữa, con vẫn không khỏi cảm thấy mình thật ngu ngốc và ích kỉ, chỉ nghĩ cho bản thân con, mà chưa một lần ôm lấy mẹ, nói với mẹ “Con yêu mẹ rất nhiều” . Ba từ “Con yêu mẹ” thật giản đơn nhưng không phải ai cũng dễ dàng thổ lộ.
Nếu một mai thấy cha già mẹ yếu
Hãy thương yêu và thấu hiểu song thân
Những lúc ăn mẹ thường hay vung vãi
Hay tự cha không mặc được áo quần.
Hãy nhẫn nại nhớ lại thời thơ ấu
Mẹ đã chăm lo tã, áo, bế bồng
Bón cho con từng miếng ăn, hớp sữa
Cho con nằm trong nệm ấm, chăn bông.
Cũng có lúc con thường hay trách móc
Chuyện nhỏ thôi mà mẹ nói trăm lần
Xưa kia bên nôi giờ con sắp ngủ
Chuyện thần tiên mẹ kể mãi không ngưng.
Chắc rằng trong mổi chúng ta ngồi đây, đã từng đọc qua câu chuyện này: “Bàn tay của mẹ”. Một thanh niên học hành xuất sắc nộp đơn vào một công ty với chức vụ quản trị viên. Viên giám đốc đã bảo chàng thanh niên đưa đôi bàn tay cho ông ta xem. Chàng thanh niên có hai bàn tay mịn màng và hoàn hảo.
Vậy trước đây anh có bao giờ giúp mẹ giặt quần áo không?
Chưa bao giờ! Chàng thanh niên đáp.
Tôi yêu cầu anh một việc. Hôm nay, khi trở lại nhà anh hãy lau sạch đôi bàn tay của mẹ anh? Chàng thanh niên về nhà từ từ lau sạch đôi bàn tay của mẹ. Vừa lau, nước mắt chàng tuôn trào. Đây là lần đầu tiên chàng thanh niên có dịp khám phá đôi tay mẹ mình: Đôi bàn tay nhăn nheo và đầy những vết bầm đen. Những vết bầm đau nhức đến nỗi bà rùng mình khi được lau bằng nước. Những vết bầm trên đôi bàn tay ấy mỗi ngày đã giúp trả học phí cho chàng từ bao nhiêu năm nay. Cảm nhận được tình yêu thương của mẹ, sự khó khăn vất vả của mẹ mà chàng thanh niên đã được nhận vào làm. Đây chính là sự hy sinh của người mẹ, nếu không có viên quản đốc ấy chàng thanh niên chẳng bao giờ biết sự hy sinh thầm lặng của mẹ.
Vậy các bạn đã bao giờ thử cầm đôi bàn tay mẹ mình chưa? Nếu chưa hãy thử một lần cầm vào đôi bàn tay mẹ, cảm nhận sự ấm áp, sự chở che và bao nhiêu sự hy sinh để cho chúng ta một tương lai tươi đẹp!
Và mẹ ơi, viết nói sao cho hết và thổ lộ sao cho trọn vẹn chữ yêu mà con dành cho mẹ, cũng như nói sao cho sâu và làm sao cho thỏa chữ cảm ơn mà con muốn dành tặng mẹ. Người phụ nữ không chỉ sinh ra con, nuôi nấng con, chăm sóc con, dạy giỗ con mà còn hy sinh cả quãng đời của mình để dẫn lối con vào đời.
Hai mươi tháng mười con không có nhiều hoa
Không có nhiều quà không tặng mẹ lời chúc
Không nghĩ đến mẹ dù là trong phút chốc
Lặng lẽ vô tình để ngày ấy trôi qua.
Qua đi rồi con mới kịp nhận ra
Ngày ấy thiếu mẹ chẳng còn gì ý nghĩa
Trái tim con và lòng con đã nghĩ
Tình mẹ biển trời con tạc dạ trong tim.
Sau buổi giới thiệu sách hôm nay kính mời quý thầy cô và các bạn học sinh đến với thư viện nhà trường để đón đọc và cảm nhận.
Cuối cùng xin kính chúc quý thầy giáo, cô giáo luôn mạnh khỏe, có một tuần làm việc hiệu quả. Chúc các bạn học sinh chăm ngoan và đạt được kết quả cao trong học tập. Một lần nữa cho phép em được gửi tới các cô giáo và những bạn học sinh nữ có một ngày 20/10 thật nhiều niềm vui, hạnh phúc.
Xin trân trọng cảm ơn!
PHỤ TRÁCH THƯ VIỆN
Vũ Thị Thảo